Thủ tướng: Không để doanh nghiệp đến xin, đến kêu thì mới làm

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành tích cực, chủ động, trách nhiệm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, "không để doanh nghiệp đến xin, đến kêu thì mới làm".

Phát triển DNNN nhanh, bền vững, đúng hướng

Ngày 3/3, Thường trực Chính phủ đã có cuộc gặp mặt đầu xuân các DNNN tiêu biểu. Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ luôn bên cạnh các DNNN, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước; nhấn mạnh quan điểm phát triển DNNN nhanh, bền vững, đúng hướng, góp phần thực hiện chủ trương kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế, trong đó DNNN đóng vai trò tiên phong, nòng cốt.

Đánh giá cao các báo cáo, ý kiến phát biểu của các đại biểu, Thủ tướng ghi nhận sự đóng góp quan trọng, tích cực của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng với sự phát triển của đất nước.

Thủ tướng cũng nêu rõ: Hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNN cơ bản duy trì ổn định nhưng vẫn có một số doanh nghiệp thua lỗ, một số tập đoàn, tổng công ty chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh, một số tập đoàn, tổng công ty có lợi nhuận âm, trong đó có doanh nghiệp có quy mô lớn, vai trò quan trọng.

Các DNNN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty mặc dù đã rất nỗ lực triển khai các dự án đầu tư mới nhưng vẫn chưa tương xứng với nguồn lực được giao nắm giữ. Một số doanh nghiệp để xảy ra sai phạm, tham nhũng, tiêu cực, phải xử lý. DNNN chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt.

Nguyên nhân là có nơi, có lúc còn bị động, lúng túng trước những biến động lớn, phản ứng chính sách chưa kịp thời, tái cấu trúc chưa phù hợp tình hình; tinh thần đổi mới sáng tạo ở một số tập đoàn, tổng công ty còn hạn chế, còn sợ sai, sợ trách nhiệm, một số chế độ, chính sách chưa phù hợp.

Tiêu điểm - Thủ tướng: Không để doanh nghiệp đến xin, đến kêu thì mới làm

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị (Ảnh: VGP).

Thủ tướng nhấn mạnh cần rút kinh nghiệm, chỉ ra nguyên nhân của những điểm chưa được, xử lý nghiêm những người làm sai, vi phạm nhưng không vì thế mà chùn bước; phải nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, sâu sắc về khoa học công nghệ, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái bằng tất cả tư duy, kinh nghiệm sẵn có cộng với kinh nghiệm của thế giới; phải chủ động hơn nữa đề ra những cách làm mới thì mới tăng tốc và vượt lên được.

Theo Thủ tướng, các DNNN phải tự tin đi lên, thắng không kiêu, bại không nản, tạo động lực mới, khí thế mới, thành quả mới, thắng lợi mới, quan trọng là phát hiện kịp thời các khó khăn, vướng mắc, phản ứng chính sách kịp thời, phát triển chủ yếu dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển.

Thủ tướng tin tưởng nhất định các DNNN sẽ làm được khi lãnh đạo các DNNN đều đã qua nhiều vị trí khác nhau, trải qua nhiều khó khăn, thách thức để trưởng thành, có đủ năng lực, trình độ để xử lý các vấn đề đột xuất, phát sinh.

Phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị số 07 của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/2/2024 về đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN và các chỉ đạo, kết luận khác có liên quan.

Nhấn mạnh thêm một số nội dung, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của DNNN trong nền kinh tế. DNNN cần là lực lượng tiên phong, dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNN theo hướng nâng cao chất lượng, cụ thể là nghiên cứu, hợp tác triển khai một số dự án năng lượng, công nghệ mới theo xu hướng dịch chuyển trên thế giới, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), đồng thời đẩy mạnh các động lực mới về tăng trưởng liên quan chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, ứng phó biến đổi khí hậu.

Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp, tạo động lực bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các đề án cơ cấu lại, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển hàng năm, 5 năm đã được phê duyệt, rà soát, bổ sung, điều chỉnh phù hợp với tình hình.

Tiêu điểm - Thủ tướng: Không để doanh nghiệp đến xin, đến kêu thì mới làm (Hình 2).

Thủ tướng trao đổi với các đại biểu dự hội nghị (Ảnh: VGP).

Nhấn mạnh chiến lược đúng đắn sẽ giúp vượt qua thách thức, Thủ tướng nhấn mạnh các DNNN cần tái cấu trúc quản trị.

Cụ thể là tái cấu trúc bộ máy hoạt động tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tái cấu trúc lực lượng lao động theo hướng nâng cao chất lượng, giảm số lượng. Tái cấu trúc về vốn, bảo đảm an toàn, phát triển vốn, tập trung cho đầu tư phát triển.

Tái cấu trúc về sản xuất, kinh doanh theo hướng bám sát thị trường, tôn trọng quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh. DNNN phải nâng cao năng lực cạnh tranh, sức chống chịu với các cú sốc kinh tế cả ở trong nước và nước ngoài; bảo đảm tăng trưởng, từ đó đóng góp cho tăng trưởng chung, ngân sách Nhà nước, nâng cao đời sống của người lao động.

Thủ tướng lấy ví dụ, việc xây dựng đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối phải huy động sức mạnh của các địa phương, của các doanh nghiệp, tạo cạnh tranh, chống độc quyền trong xây dựng đường dây tải điện này.

"Điều tôi mong muốn nhất, thông điệp tôi muốn truyền tải là DNNN phải đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt trong đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, các ngành mới nổi; trên cơ sở đó đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng và liên kết với các tập đoàn, tổng công ty nước ngoài, tập đoàn tư nhân để tạo ra chuỗi giá trị, không làm ăn riêng lẻ trong bối cảnh hội nhập hiện nay", Thủ tướng nói.

Với các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải tích cực, chủ động, trách nhiệm trong giúp đỡ doanh nghiệp, tạo điều kiện, cơ hội cho doanh nghiệp phát triển, "không để doanh nghiệp đến xin, đến kêu thì mới làm", phối hợp hiệu quả với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, phát huy mặt mạnh, hạn chế điểm yếu, tiến cùng, theo kịp và vươn lên, tăng tốc phát triển.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng đề án về quản lý Nhà nước với DNNN, theo hướng tách bạch chức năng chủ sở hữu và chức năng quản lý Nhà nước. Giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sơ kết mô hình Ủy ban, đề xuất hoàn thiện các quy định liên quan và chủ động, tích cực hơn nữa trong hoạt động.

Thủ tướng đề nghị các địa phương cũng phải tích cực vào cuộc, phát huy, nhân lên các mô hình tốt như Becamex Bình Dương; đóng góp vào việc xây dựng thể chế, xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng cơ chế giám sát để bảo đảm hoạt động lành mạnh, hiệu quả của các DNNN.

Theo www.nguoiduatin.vn